Virus HIV (Human Immunodeficiency Virus) gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. Người mắc phải HIV không chết luôn vì sự tấn công của virut mà sẽ chết vì các bệnh thông thường như: cảm, sốt, ho,… hay còn gọi là các bệnh cơ hội. Lý do vì hệ miễn dịch suy giảm trầm trọng khiến cơ thể không thể chống lại được những bệnh mặc dù không gây chết người.
Quá trình này virus HIV xâm nhập phá hủy hệ thống miễn dịch ở người chia làm 3 giai đoạn. Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn như thế nào? Cùng Tư vấn HIV tìm hiểu các biểu hiện nhiễm HIV qua từng giai đoạn qua bài viết dưới đây.
I. Sự tấn công hệ miễn dịch của HIV như thế nào?
Sau khi xâm nhập được vào cơ thể, virut HIV sẽ bắt đầu tấn công và phá hủy các tế bào quan trọng của hệ miễn dịch. Trong đó có tế bào T-CD4, là một loại tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể. Các tế bào T-CD4 sẽ có vai trò nhận biết các kháng nguyên lạ và cân bằng hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại các tác nhận gây hại như vi khuẩn, virut.
Mỗi ngày, cơ thể con người sản sinh ra hàng triệu tế bào T-CD4 để giúp duy trì hệ miễn dịch. Khi bị nhiễm HIV, virut sẽ sử dụng chính tế bào CD4 để nhân lên, sau đó phá hủy chúng và tiếp tục xâm nhập vào các tế bào T-CD4 khác. Người bị nhiễm HIV có thể không nhận thấy các triệu chứng trong nhiều năm, nhưng virut vẫn âm thầm nhân lên và làm suy yếu dần hệ thống miễn dịch trong cơ thể.
II. Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn
1. Giai đoạn 1: Giai đoạn nhiễm trùng tiên phát
Trong vòng 2 đến 4 tuần sau khi lây nhiễm HIV, khoảng 80% người nhiễm thường có các biểu hiện giống như bị cúm, bao gồm: sốt, sưng hạch, đau họng, đau đầu, đau cơ… Đây được coi là những phản ứng tự nhiên của cơ thể trước sự xâm nhập của virut HIV. Phản ứng này khiến người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
Thời điểm này là lúc virut di chuyển vào trong máu và bắt đầu nhân rộng lên với số lượng lớn. Các hiện tượng viêm, sưng được gọi là phản ứng của hệ miễn dịch. Tuy vậy nhưng không phải ai nhiễm HIV cũng xuất hiện những triệu chứng này.
Các xét nghiệm sàng lọc thông thường cũng không xác định được bệnh ở giai đoạn đầu này. Những người phát hiện và sử dụng thuốc đúng cách mỗi ngày có thể kìm hoãn tiến độ bệnh ở giai đoạn này trong nhiều thập kỷ vì thuốc có thể kìm hãm virus tấn công cơ thể.
2. Giai đoạn 2: Giai đoạn mãn tính
Đến giai đoạn 2, virut HIV tiếp tục phát triern nhưng với tốc độ chậm hơn giai đoạn đầu. Giai đoạn này người sống chung với HIV có thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào, mặc dù virut vẫn tiếp tục nhân lên. Nếu không điều trị HIV, giai đoạn này có thể kéo dài từ 2 đến 10 năm hoặc dài hơn, gây suy yếu dần cơ thể trước khi chuyển sang AIDS.
Biểu hiện điển hình của người nhiễm HIV khi tiến tới giai đoạn này có thể kể đến:
- Sút cân không rõ nguyên nhân ở mức độ trung bình, <10% trọng lượng cơ thể
- Nhiễm trùng hô hấp tái phát
- Zona
- Phát ban sẩn ngứa (PPE)
Tuy nhiên, dù có điều trị bệnh hay không, người nhiễm HIV ở giai đoạn 2 vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác. Mặc dù virus HIV trong người bệnh đang bị kìm hãm bằng thuốc điều trị thì sự lây truyền vẫn có thể xảy ra nhưng khả năng thấp hơn những người không điều trị.
3. Giai đoạn 3: Giai đoạn cuối, AIDS
Được điều trị đầy đủ người bệnh có thể sống đến cuối đời với giai đoạn 2. Những người không được điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS.
Càng về sau, hệ thống miễn dịch sẽ bị virus HIV phá hủy càng trở nặng. Tình trạng của người nhiễm ở giai đoạn này trở nên yếu hơn, biểu hiện các triệu chứng như:
- Sút cân nặng (>10% trọng lượng cơ thể), trí nhớ giảm sút, sốc tái phát và tiêu chảy kéo dài hơn một tuần.
- Bệnh candida miệng tái phát
- Lao phổi
- Nhiễm khuẩn nặng
- Thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân
- Viêm màng não
- Viêm võng mạc
- Lao ngoài phổi, …
Nếu bệnh nhân không điều trị thuốc kháng HIV, hoặc điều trị chưa hiệu quả, hệ thống miễn dịch của họ sẽ xấu đi nhanh chóng. Những bệnh nhiễm trùng cơ hội cũng sẽ dễ mắc phải hơn và có thể trở thành bệnh nguy hiểm. Mặc dù bệnh khi nhiễm trùng cơ hội có thể được điều trị, nhưng vậy cũng không thể ngăn được sự phát triển của HIV.
4. Hiểu hơn về AIDS
Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải là giai đoạn cuối cùng và nặng nhất của nhiễm HIV. AIDS xảy ra khi hệ thống miễn dịch của người nhiễm bị tổn thương nặng, khiến họ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Người nhiễm được chẩn đoán đã tiến triển đến AIDS khi lượng tế bào T-CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào trên mỗi milimét khối máu hoặc được chẩn đoán nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng 4 (như bị lao, ung thư, viêm phổi).
Khi đã đến giai đoạn AIDS, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được điều trị. Bên cạnh đó, nếu được điều trị ART hiệu quả, người bệnh vẫn có thể phục hồi lại được hệ thống miễn dịch và kéo dài được thời gian sống.
↪Có thể bạn quan tâm:
- Thuốc ARV trong điều trị HIV và những điều cân lưu ý khi dùng thuốc
- Điều trị HIV bằng thuốc ARV những lợi ích mà người bệnh nhận được
- Làm thế nào để phòng, chống lây nhiễm HIV
Như vậy HIV là căn bệnh vô cùng nguy hiểm mà ai cũng phải cẩn thận đề phòng. Ý thức được sự nguy hiểm của căn bệnh này, chúng ta cần tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Hiểu biết về HIV là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân, nhận biết sớm các triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn sẽ giúp bạn kiểm soát và điều trị bệnh tốt hơn.