Từ xưa đến nay, HIV được biết đến là một căn bệnh thế kỷ và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm. Phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên mang thai vì sẽ lây truyền HIV sang cho con. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học ngày nay, thai phụ nhiễm HIV hoàn toàn có thể sinh con an toàn và nguy cơ lây nhiễm cũng được giảm đi đáng kể.
Mang thai là một hành trình đầy thử thách và khó khăn nhưng cũng vô cùng hạnh phúc. Đối với các bà mẹ chẳng may bị nhiễm HIV thì hành trình này lại càng thêm khó khăn hơn. Vì thế, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các cách để tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con qua bài viết dưới đây nhé!
Lây truyền HIV từ mẹ sang con
Tỷ lệ HIV lây truyền từ mẹ sang con là rất lớn. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con có thể từ 15% đến 40% nếu như không có các biện pháp điều trị can thiệp. Các con đường lây truyền bao gồm như:
- Lây truyền từ lúc thai nhi còn trong bụng.
- Lây truyền trong lúc sinh nở
- Lây truyền trong quá trình thai phụ cho con bú.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Những yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền mẹ con bao gồm tải lượng vi rút HIV cao trong máu mẹ, trẻ sinh non, sinh đường âm đạo có nguy cơ lây truyền cao hơn so với sinh mổ.
Tải lượng virus trong máu
Tải lượng virus trong cơ thể mẹ được xem là yếu tố quan trọng nhất. Ví dụ: nếu số lượng virus HIV trong máu của người mẹ dưới 400/ml thì tốc độ lây truyền sẽ là 1%; tốc độ lây truyền sẽ tăng lên đến 30% nếu số lượng virus trong máu người mẹ cao hơn 100.000/ml.
Sinh non
Nguy cơ lây nhiễm HIV của trẻ sinh non tăng gấp 4 lần so với thông thường. Trẻ sinh non, sinh đường âm đạo có nguy cơ lây truyền cao hơn so với sinh mổ.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Nguy cơ trẻ bị lây nhiễm HIV sẽ là khoảng 30% nếu mẹ cho con bú khi bị nhiễm HIV.
Một số thủ tục y tế được thực hiện trong lúc sinh, ví dụ như theo dõi thai nhi xâm lấn, dùng kẹp forcep có thể làm tăng nguy cơ lây truyền virus HIV từ mẹ sang con. Tỷ lệ lây nhiễm HIV của các thai phụ có thể giảm xuống 1% hoặc thấp hơn nếu người mẹ được điều trị đúng phác đồ trong thời kỳ mang thai và đứa trẻ sinh ra được dùng thuốc điều trị HIV trong 4-6 tuần.
Xem thêm:
Dự phòng, ngăn chặn nguy cơ lây truyền virus HIV từ mẹ sang bé bằng cách nào?
Nếu kết quả xét nghiệm HIV của mẹ bầu là dương tính thì dưới đây là một số biện pháp hiện làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con đang được áp dụng phổ biến:
- Sử dụng thuốc kháng virus đầy đủ dạng kết hợp trong suốt quá trình mang thai
- Sử dụng biện pháp bảo vệ bé trong khi sinh: nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tải lượng virus HIV trong máu mẹ cao thì sinh mổ sẽ là biện pháp an toàn. Phương pháp này giúp làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con cao hơn là sinh thường tự nhiên.
- Duy trì uống thuốc kháng virus Hv ngay cả trong quá trình chuyển dạ và sinh đẻ nếu cần
- Sau khi sinh, em bé cần được uống thuốc kháng virus và điều trị trong vòng 4−6 tuần để giúp ngăn ngừa nhiễm virus HIV hiệu quả hơn.
- Biện pháp bảo vệ em bé khi cho bú: không cho em bé bú sữa mẹ. Nếu cho bú mẹ thì phải tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn về việc cho bú an toàn. Tuy nhiên, khuyến cáo nên dùng sữa công thức thay vì sữa mẹ.
⇒ Nếu tuân thủ nghiêm ngặt tuyệt đối theo hướng dẫn này thì có đến 99% số mẹ bầu nhiễm HIV sẽ không lây truyền cho em bé.
Làm thế nào để biết trẻ có bị nhiễm HIV từ mẹ hay không?
Nếu đã áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang bé mà vẫn muốn có kết quả chắc chắn xem đứa trẻ có bị nhiễm HIV hay không thì người nhà có thể tiến hành các xét nghiệm ngay sau khi sinh và trong khoảng 4 – 6 tuần sau đó.
Trong trường hợp kết quả xét nghiệm là âm tính: vẫn phải tiến hành xét nghiệm lại cho trẻ sau 18 tháng và sau khi kết thúc giai đoạn cho con bú để kiểm tra. Trường hợp kết quả xét nghiệm là dương tính thì trẻ cần phải tiến hành điều trị ngay lập tức.
Những lưu ý dành cho người chăm sóc thai phụ nhiễm HIV
Trong quá trình chăm sóc phụ nữ mang thai nhiễm HIV, bác sĩ và người nhà thai phụ cần lưu ý những điều sau đây:
- Cho thai phụ dùng riêng các đồ dùng cá nhân như: bàn chải đánh răng, khăn mặt, khăn tắm, bấm móng tay, dụng cụ cạo lưỡi, kim tiêm,…
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các vết thương hở của bà bầu, đeo găng tay cao su khi chăm sóc những vết thương đó.
- Các dụng cụ như quần áo, khăn… đã dính máu cần phải ngâm trong nước Javen (0,1 – 0,5%) 30 phút trước khi tiến hành giặt lại bằng xà phòng.
- Rửa tay bằng xà bông và sát trùng lại bằng cồn ngay khi bị dính máu hoặc dịch tiết của bệnh nhân. Sau đó, liên lạc ngay với trung tâm y tế chuyên khoa để được hướng dẫn biện pháp dự phòng lây nhiễm.
- Với các loại rác có dịch tiết, máu như giấy vệ sinh, kim tiêm, bông, băng gạc… cần cho vào 2 lần túi ni lông, buộc chặt trước khi bỏ vào thùng rác.
- Làm việc với nhân viên vệ sinh, người thu gom rác để có thể phân loại cận thận loại rác y tế với rác thông thường, nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm cho những người khác.
- Giữ cho tâm lý ổn định cho thai phụ, tránh những chấn động tâm lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Không có điều gì là không thể xảy ra. Mẹ bầu bị nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra một đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh nếu như tuân thủ tuyệt đối mọi biện pháp dự phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con theo hướng dẫn. Vì vậy, hãy chia sẻ điều này với bác sĩ ngay để có thể bảo vệ sức khỏe cho thai nhi và có một thai kỳ khỏe mạnh nhé!