HIV là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, một trong những con đường lây nhiễm HIV là từ mẹ sang con. Vì vậy nếu người phụ nữ nhiễm HIV bạn cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ lưỡng. Bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây với chủ để “Mang thai an toàn khi nhiễm HIV: Những điều cần biết”
HIV lây nhiễm từ mẹ sang con như thế nào?
Virus HIV tồn tại trong máu, dịch cơ thể (tinh trùng, dịch âm đạo,…). Khi tiếp xúc với máu, các chế phẩm của máu, dịch tiết cơ thể của người nhiễm HIV thì nguy cơ lây nhiễm HIV là rất lớn. HIV có thể lây từ mẹ sang con qua ba con đường chính: trong thai kỳ, trong quá trình sinh và qua việc cho con bú. Dưới đây là cách mà HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con qua từng giai đoạn:
- Trong thời kỳ mang thai: HIV có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai, khi virus truyền qua máu và các chất dịch cơ thể của mẹ vào trong cơ thể thai nhi. Nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã xuất hiện ngay từ tuần thứ 8 của thai kỳ, chiếm khoảng 17%- 25%.
- Trong quá trình sinh nở: Tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ trong quá trình sinh nở chiếm tới 50 – 60%. Trong khi sinh, nếu người mẹ bị nhiễm HIV, virus có trong dịch cơ thể hoặc máu từ người mẹ có thể lây nhiễm virus sang cơ thể của trẻ.
- Qua việc cho con bú: HIV có thể lây truyền qua sữa mẹ hoặc các vết trầy xước ở núm vú. Tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ sữa mẹ chiếm khoảng 15 – 25%.
Những điều cần làm khi người mẹ nhiễm HIV muốn mang thai
Khi một người nhiễm HIV muốn mang thai, có một số yếu tố quan trọng cần cân nhắc để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi. Dưới đây là những điểm cần lưu ý để mang thai an toàn khi nhiễm HIV:
Tư vấn y tế và kế hoạch hóa
Trước khi mang thai, người nhiễm HIV nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về HIV. Họ sẽ giúp đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại và chỉ ra những nguy cơ có thể xảy ra khi mang thai và những vấn đề về nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sau khi sinh để người phụ nữ mang thai có thể lựa chọn việc chấm dứt thai kỳ hoặc tiếp tục mang thai.
Sử dụng thuốc ARV
Việc duy trì chế độ điều trị bằng thuốc ARV giúp giảm tải lượng virus HIV trong cơ thể xuống mức không phát hiện được, điều này giảm nguy cơ truyền HIV từ mẹ sang con. Điều trị ARV cũng giúp bảo vệ sức khỏe của người mẹ và thai nhi.
Theo dõi tải lượng virus và hệ miễn dịch
Kiểm tra tải lượng virus HIV và hệ miễn dịch là rất quan trọng để đảm bảo rằng HIV được kiểm soát tốt trong suốt thai kỳ. Việc khám sức khỏe và xét nghiệm máu cần được tiến hành định kỳ thường xuyên đối với người mẹ nhiễm HIV đang mang thai.
>>> Xem thêm: Tầm quan trọng của tế bào miễn dịch và xét nghiệm tải lượng virus trong điều trị HIV
Chọn phương pháp sinh con an toàn
Trong nhiều trường hợp, sinh mổ có thể được khuyến nghị để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho em bé trong quá trình sinh. Quyết định này sẽ được đưa ra dựa trên tình trạng sức khỏe của mẹ và sự tư vấn của bác sĩ.
Sử dụng thuốc phòng ngừa cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có thể được kê đơn thuốc ARV trong vài tuần đầu đời để giảm nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ. Bạn cần đảm bảo thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Chăm sóc sau sinh và nuôi con bằng sữa mẹ
Với sự chăm sóc y tế phù hợp và hướng dẫn từ bác sĩ, người mẹ có thể tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Việc sử dụng sữa mẹ có thể an toàn nếu tải lượng virus HIV trong máu của mẹ không phát hiện được và mẹ tuân thủ đúng điều trị ARV.
Tư vấn về các biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ
Các mẹ có thể tham gia các nhóm hỗ trợ và tư vấn có thể giúp bản thân chuẩn bị tâm lý và nhận hỗ trợ trong suốt thai kỳ và sau sinh.
>>> Xem thêm: Các Tổ Chức và Trung Tâm Hỗ Trợ HIV Uy Tín
Chăm sóc phụ nữ nhiễm HIV mang thai
Thời kỳ mang thai đối với phụ nữ nhiễm HIV, người nhà thai phụ cần lưu ý:
- Luôn động viên, hỗ trợ tinh thần cho thai phụ trong quá trình mang thai
- Xây dựng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng
- Mang găng tay cao su khi chăm sóc vết thương hở cho thai phụ
- Thai phụ cần sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như: bàn chải đánh răng, bấm móng tay, khăn tắm, …
- Khi bị dính máu, dịch tiết của bà bầu cần ngay lập tức rửa tay bằng xà bông và sát trùng lại bằng cồn. Sau khi xử lý tại nhà, hãy liên lạc với trung tâm y tế chuyên khoa để được hướng dẫn phòng bệnh.
- Người chăm sóc thai phụ nhiễm HIV cần giữ cho tâm lý của bệnh nhân luôn ổn định vì những chấn động tâm lý có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của cả mẹ và bé.
Phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có thể mang thai, tuy nhiên quá trình này cần sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo cho sức khỏe của mẹ và bé. Mang thai an toàn khi nhiễm HIV là điều vô cùng quan trọng đối với cả người mẹ và trẻ nhỏ. Hy vọng những thông tin trên phần nào giúp ích được cho bạn.