Hiện nay với sự phát triển của ngành y tế thế giới, HIV đã không còn là nỗi sợ hãi tột cùng cho những người mắc phải căn bệnh này. Khoa học, y tế phát triển đã cho ra đời nhiều phương pháp điều trị cũng như dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV cho các bệnh nhân nhằm giúp họ kéo dài được sự sống và có sức khỏe như những người bình thường. Và ở bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về phương pháp dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP) nhé!
Dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP) là gì?
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP) có nghĩa là sử dụng thuốc kháng virus ARV sau khi có khả năng phơi nhiễm với HIV nhằm giúp tránh bị nhiễm HIV.
PEP có hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa nhiễm virus HIV khi sử dụng thuốc trong vòng 72 giờ ngay sau khi đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm (tức là đối tượng đó có nguy cơ nhiễm HIV sau khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hoặc máu của người bị HIV). Nếu sử dụng PEP, bạn cần tuân thủ điều trị theo đúng quy định trong vòng 28 ngày.
*Lưu ý:
Dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP) chỉ nên dùng trong các tình huống khẩn cấp và bắt buộc phải được bắt đầu trong vòng 72 giờ kể từ sau khi phơi nhiễm HIV. Nếu bạn nghĩ rằng bản thân đã bị phơi nhiễm HIV gần đây, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được tư vấn về PEP kịp thời.
Xem thêm: 4 nhóm tình huống nên dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV
PEP dành cho những đối tượng nào?
Nếu bạn âm tính với virus HIV hoặc không biết được tình trạng HIV của bản thân, và bạn có ít nhất 1 trong các nguy cơ sau trong 72 giờ vừa qua:
- Phơi nhiễm với HIV trong quá trình quan hệ tình dục (ví dụ: bao cao su bị rách, thủng, bị tuột ra, quan hệ tình dục bằng miệng, quan hệ qua đường hậu môn/ âm đạo không an toàn,…)
- Sử dụng chung kim tiêm, kim xăm mình, dụng cụ y tế có dính máu người nhiễm HIV hoặc có tiếp xúc trực tiếp với máu/ dịch tiết của người bị nhiễm hoặc chưa biết tình trạng HIV,…
- Bị đối tượng khác tấn công tình dục.
- Bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (trong quá trình mang thai và cho con bú)
Nếu bạn ở trong một trong các trường hợp này, hãy lập tức đến gặp bác sĩ để được tư vấn về PEP nhé!
Dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP) là phương pháp điều trị dự phòng có hiệu quả, nhưng không phải là 100%. Chính vì thế, bạn nên có các biện pháp an toàn trong khi dùng PEP và duy trì sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục với bạn tình.
Thực hiện những điều này sẽ có thể giúp bạn bảo vệ bản thân khỏi bị phơi nhiễm HIV một lần nữa cũng như có thể giảm được nguy cơ truyền nhiễm HIV cho người khác nếu bạn đang dùng PEP nhưng vẫn bị nhiễm bệnh.
Khi nào bạn nên điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV – PEP?
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm – PEP phải được bắt đầu dùng trong vòng 72 giờ kể từ sau khi có nguy cơ. Bạn nên bắt đầu PEP càng sớm càng tốt bởi mỗi giờ với bạn đều có giá trị.
Bắt đầu sử dụng PEP càng sớm càng tốt sau khi phơi nhiễm HIV là một điều vô cùng quan trọng. Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, họ đã chỉ ra rằng: PEP sẽ có ít hoặc thậm chí là không có tác dụng trong việc ngăn ngừa nhiễm HIV nếu PEP được bắt đầu dùng muộn hơn 72 giờ sau khi có nguy cơ phơi nhiễm HIV.
PEP thường được chỉ định điều trị trong vòng 28 ngày để có thể đạt được như mong muốn.
Xem thêm:
Hỏi và đáp về điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV – PEP
Những xét nghiệm bạn cần làm trước khi điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV – PEP?
- Tiến hành xét nghiệm HIV: để chắc chắn rằng bạn có đang bị nhiễm HIV hay không
- Các xét nghiệm khác, ví dụ như: xét nghiệm chức năng gan, chức năng thận, các bệnh nền như viêm gan C, viêm gan B,…, các bệnh lây truyền tình dục: sùi mào gà, giang mai, lậu,…
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV – PEP có tác dụng phụ hay không?
Mặc dù được đánh giá là an toàn nhưng PEP vẫn có thể gây ra tác dụng phụ cho một số người sử dụng, ví dụ như: mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn,…. Những tác dụng phụ này không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể tự khỏi. Nếu có nhu cầu, bạn hoàn toàn có thể hỏi ý kiến bác sĩ, chuyên gia về các loại thuốc PEP mới có hiệu quả tốt và ít tác dụng phụ hơn.
Một số lưu ý nhằm hạn chế các tác dụng phụ không mong đợi khi dùng PEP
- Uống thuốc cách xa bữa ăn khoảng 1-2 giờ, không uống lúc bụng quá no hoặc quá đói
- Hạn chế ăn các thức ăn có nhiều chất béo, dầu mỡ, sữa chua.
- Uống nhiều nước mỗi ngày
- Thường xuyên bổ sung vitamin, nước cam,…cho cơ thể.
Có nên thường xuyên điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) không?
Điều trị dự phòng PEP chỉ nên được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp.
Ví dụ, PEP không phải là lựa chọn phù hợp cho những đối tượng thường xuyên có quan hệ tình dục với bạn tình dương tính với HIV, mại dâm mà không dùng bao cao su (người có nguy cơ phơi nhiễm HIV thường xuyên). Nếu bạn liên tục có nguy cơ nhiễm HIV, hãy nói chuyện với bác sĩ về PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV).
Trên đây là một số thông tin mà Tư vấn HIV muốn cung cấp đến cho các độc giả nói chung và các đối tượng đang và sắp điều trị PEP nói chung. Hy vọng rằng đây là những thông tin hữu ích có thể giúp mọi người hiểu biết thêm về PEP cũng như có cách điều trị thích hợp mang lại hiệu quả cao nhất cho từng tình huống. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!