HIV Có Lây Qua Tiếp Xúc Hàng Ngày Không?

HIV Có Lây Qua Tiếp Xúc Hàng Ngày Không?

Tiếp xúc với người nhiễm HIV đôi khi sẽ đem đến những lo lắng cho bạn, chắc hẳn nhiều người thường đặt ra câu hỏi “HIV có lây qua tiếp xúc hàng ngày không?” Vậy câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

HIV là gì?

HIV là tên viết tắt của Human Immunodeficiency Virus, là một loại virus tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể con người, làm suy giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng và một số loại ung thư. HIV nếu không được điều trị có thể tiến triển thành AIDS, một tình trạng nghiêm trọng của cơ thể, lúc này hệ miễn dịch của người bệnh gần như bị phá hủy hoàn toàn. 

Cho đến thời điểm hiện tại với sự tiến bộ của y khoa nhưng các chuyên gia vẫn chưa thể tìm ra các loại thuốc hay phương pháp chữa trị HIV triệt để. Tuy nhiên các phương pháp điều trị HIV hiện nay sẽ làm giảm sự phát triển và ảnh hưởng của HIV tới hệ miễn dịch người bệnh, cho phép người bệnh sống khỏe mạnh hơn và kéo dài tuổi thọ.

Con đường lây truyền chính của HIV

HIV lây nhiễm như thế nào?
HIV lây nhiễm như thế nào?

HIV chủ yếu lây truyền qua ba con đường chính: tiếp xúc với máu, quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ nhiễm HIV sang con. 

Khi quan hệ tình dục với người có nhiễm HIV và tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết sinh dục như tinh trùng, dịch âm đạo,… bạn có nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. Tất cả các hình thức quan hệ tình dục (quan hệ bằng miệng, quan hệ qua hậu môn, quan hệ qua âm đạo) đều có khả năng lây nhiễm HIV nếu không sử dụng các biện pháp an toàn. 

Virus HIV có nhiều trong máu và các thành phần của máu, do đó HIV có thể lây truyền qua máu và các chế phẩm của máu. Việc sử dụng chung các vật dụng dính máu của người nhiễm HIV như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kim tiêm, kim xăm mình,… đều có nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Người mẹ nhiễm HIV khi mang thai có thể lây nhiễm virus cho con vì máu của mẹ có thể tiếp xúc với thai nhi qua nhau thai, trong quá trình sinh nở hoặc khi cho con bú.

Tiếp xúc hàng ngày và nguy cơ lây truyền HIV

Nghiên cứu và các chuyên gia y tế khẳng định rằng HIV không lây lan qua tiếp xúc hàng ngày trong môi trường xã hội thông thường. Những hoạt động hàng ngày như ôm nhau, bắt tay, hôn má, hay dùng chung các vật dụng như cốc, đĩa, và bàn ghế đều không làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Virus HIV không tồn tại lâu bên ngoài cơ thể, do đó các hoạt động tiếp xúc hàng ngày thông thường đều không thể lây truyền HIV.

Lâu nay, những hiểu lầm phổ biến liên quan đến HIV có thể dẫn đến sự kỳ thị và lo lắng không cần thiết. Ví dụ, nhiều người có thể lo ngại rằng HIV có thể lây qua việc sử dụng các thiết bị công cộng như bồn rửa tay, phòng vệ sinh công cộng, hoặc các thiết bị tập thể dục. Thực tế, HIV không thể sống sót bên ngoài cơ thể và không thể lây truyền qua những phương tiện này. Vì vậy mọi người cần hiểu đúng, hiểu đủ về HIV để tránh gây ảnh hưởng đến người bệnh.

Xóa bỏ kỳ thị và tăng cường nhận thức

Xây dựng cộng đồng lành mạnh bằng cách xoá bỏ kỳ thị đối với những người nhiễm HIV
Xây dựng cộng đồng lành mạnh bằng cách xoá bỏ kỳ thị đối với những người nhiễm HIV

Việc nâng cao nhận thức về cách thức lây truyền HIV và xóa bỏ các hiểu lầm xung quanh bệnh này là rất quan trọng để loại bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người sống chung với HIV trong xã hội hiện nay. Giáo dục cộng đồng về sự khác biệt giữa nguy cơ thực sự và những hiểu lầm là biện pháp cốt lõi giúp xây dựng một xã hội thông cảm, hỗ trợ và sẻ chia.

Ngoài ra việc ý thức phòng ngừa HIV cũng cần được nâng cao hơn nữa. Tăng cường nhận thức về HIV không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan tổ chức mà là trách nhiệm của mỗi người dân. Có hiểu biết về HIV thì mỗi người mới biết sự nguy hiểm, biết cách tự phòng tránh HIV và xóa bỏ kỳ thị trong xã hội.

Phòng tránh HIV

Phòng ngừa HIV là việc làm quan trọng, đây là trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình và cộng đồng. Để phòng tránh HIV, bạn cần:

  • Nâng cao nhận thức về HIV và con đường lây nhiễm HIV
  • Không quan hệ tình dục với bạn tình chưa rõ tình trạng sức khỏe
  • Không dùng chung các vật dụng dễ dính máu của người khác như bàn chải đánh răng, dao cạo râu
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
  • Không tiêm chích ma túy, không dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ phẫu thuật chưa xử lý
  • Phụ nữ nhiễm HIV nên hạn chế mang thai và nếu có mong muốn mang thai nên có sự tư vấn của bác sĩ
  • Khám sức khỏe định kỳ
  • Tìm hiểu Prep, Pep là các biện pháp dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV để bảo vệ sức khỏe bản thân một cách tốt nhất

>>> Xem thêm: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và sau phơi nhiễm (PEP) đối với HIV

Như vậy, HIV không lây qua tiếp xúc hàng ngày vậy nên bạn hoàn toàn an tâm nếu có tiếp xúc hàng ngày với người nhiễm HIV. Hiểu rõ cách thức lây truyền và thực hiện các biện pháp phòng ngừa HIV là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Chúng tôi hy vọng bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc của bạn và đem lại cho bạn nhiều thông tin hữu ích.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay
Chat với chúng tôi qua Zalo
Facebook Messenger